15/12/2016
TIÊM VACXIN PHÒNG BỆNH CÚM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Sáng ngày 13/12/2016, Trường Tiểu học Tân Phú C đã phối hợp cùng Trạm y tế phường Tân Phú tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh cúm tự nguyện cho học sinh.
Hầu hết phụ huynh đều quan tâm đến sức khỏe con em mình nên tự nguyện đăng ký tiêm phòng cho trẻ và phối hợp tốt trong việc chuẩn bị tâm thế, sức khỏe cho trẻ.
Nhân viên y tế phường khám sàng lọc cho học sinh trước khi tiêm đảm bảo trẻ đủ sức khỏe trước khi tiêm phòng. Các em học sinh đã được tìm hiểu về bệnh cúm nên rất hợp tác và tự tin giúp buổi tiêm phòng diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.
Vậy tiêm phòng là cách tốt nhất để ngừa cúm nhưng tiêm khi nào và tác dụng phụ của nó có đáng ngại?
1. Khi nào nên tiêm phòng?
Bởi vì cúm mùa thường bắt đầu vào tháng 10 và kéo dài tới tháng 5 nên thời điểm tốt nhất để tiêm phòng là trong tháng 10 hoặc 11. Bạn có thể tiêm phòng muộn hơn nhưng thời điểm trên là mang lại lợi ích cao nhất.
2. Vắc-xin cúm hoạt động như thế nào?
Cả thuốc uống và thuốc tiêm đều hoạt động theo cơ chế kích thích hệ miễn dịch của cơ thể. Những kháng thể được tạo ra sẽ chống lại sự xâm nhập của virus cúm. Phản ứng của cơ thể sau tiêm có thể gây mệt mỏi và đau cơ ở một số trường hợp.
Mỗi năm, vắc-xin cúm lại được bổ sung khả năng chống thêm một số loại virus. Vì thế, hiệu quả ngừa cúm lên tới 70-90% ở những người khỏe mạnh dưới 65 tuổi.
3. Ai nên tiêm phòng?
Những người muốn giảm nguy cơ nhiễm cúm và đặc biệt là những người mắc bệnh phổi, người từ 65 tuổi trở lên, những người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường và tim mạch; phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ.
4. Những đối tượng nên tiêm vắc xin cúm hằng năm:
- Tất cả trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi
- Những người 50 tuổi trở lên
- Những người làm giúp việc gia đình
- Những người mắc các bệnh tim hay phổi mãn tính như hen suyễn hoặc bất kỳ bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch.
- Những người tiếp xúc thường xuyên với trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Những người thường xuyên tiếp xúc với nhóm có nguy cơ cao chẳng hạn như nhân viên y tế…
5. Những ai không nên tiêm phòng cúm?
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, bạn không nên tiêm phòng cúm nếu:
- Đã từng bị dị ứng với tiêm phòng cúm trước đó
- Dị ứng với trứng
- Từng bị hội chứng Guillian-Barre (hệ miễn dịch tấn công một phần của hệ thần kinh) trong 6 tuần sau khi tiêm cúm.
6. Tác dụng phụ của vắc-xin phòng cúm?
Tay có thể bị sưng tấy sau khi tiêm.
Một số người có biểu hiện giống như cảm lạnh: hắt hơi, đau đầu, chảy nước mũi, viêm họng, ho và đau nhức mình mẩy 1-2 ngày sau khi tiêm phòng. Trong một số trường hợp có thể sốt nhẹ.
Điều quan trọng là nghĩ tới những lợi ích từ vắc-xin phòng cúm, từ đó sẽ thấy những tác dụng phụ này là có thể chấp nhận.